Chi tiết tin

A+ | A | A-

Thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp ở Thăng Bình

Những cụm từ “cánh đồng mẫu”; “cánh đồng tập trung”; “mô hình tích tụ tập trung ruộng đất”, “mô hình nông nghiệp thông minh”… đã không còn xa lạ trong sản xuất nông nghiệp của huyện Thăng Bình trong thời gian gần đây. Những mô hình này xuất hiện đã làm thay đổi tư duy, hình thức và phương pháp sản xuất nông nghiệp. Người dân tham gia sẽ tạo ra các chuỗi liên kết trong sản xuất, từ đó có nhiều sản phẩm có giá trị, ngay cả như là việc trồng lúa hiện nay.

Nhiều cánh đồng lúa cho năng suất cao sau khi triển khai đề án “ tích tụ tập trung ruộng đất”.
        Trong khi nhiều hợp tác xã trên địa bàn huyện Thăng Bình đều hoạt động cầm chừng hoặc phá sản thì HTX nông nghiệp Bình Nam vừa thành lập vào năm 2016 đã phát huy vai trò bà đỡ cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Vụ đông xuân 2016-2017 vừa qua, Bình Nam triển khai phương án tích tụ tập trung ruộng đất, chính HTX nông nghiệp xã đã đứng ra thuê đất và vận động nhân dân góp đất để xây dựng cánh đồng tích tụ tập trung ruộng đất với diện tích 20 ha tại thôn Thái Đông. Cùng với hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sản xuất, HXT còn mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Đặc biệt, HTX còn trực tiếp ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty giống Quảng Bình để nâng giá trị sản xuất lúa chất lượng cao tăng lên 20% so với lúa thương phẩm. Ông Trần Văn Ninh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Nam cho biết: “ Trong vụ hè thu đến, HTX vận động nhân dân nếu có đủ sức sản xuất thì vẫn tiếp tục giữ ruộng để làm, còn đối với các hộ không có lao động, không sản xuất được thì giao đất cho HTX thuê. Đối với đất, dân góp để sản xuất sẽ quy hoạch thành vùng để sản xuất, có sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để đảm bảo yêu cầu đúng thời vụ, đúng giống, tránh thời tiết bất lợi, hạn chế sâu bệnh và chống đổ ngã”.
        Bước đầu khi tham gia vào mô hình tích tụ tập trung ruộng đất tại thôn Thái Đông, gia đình ông Lê Thanh (tổ 4, thôn Thái Đông) vô cùng lo lắng và băn khoăn. Theo ông Lê Thanh, nếu như các năm trước, những bờ ngăn cách nhau giữa các đám ruộng vẫn được người nông dân giữ lại thì vụ đông xuân 2016-2017 vừa qua, các bờ vùng, bờ thửa đã bị phá bỏ mà thay vào đó, các thành viên HXT đã đóng cọc ngay tại đầu bờ. Điều này khiến nhiều người nông dân sợ mất đất. Trong khi đó, mỗi sào ruộng, người nông dân ngâm và gieo sạ 7-kg giống/sào thì vụ đông xuân vừa qua được cải thiện rõ, chỉ có từ 3-4kg/sào. Chính điều này cũng khiến người nông dân tham gia mô hình lo lắng vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Đối với quá trình sản xuất, từ khâu bón phân cho đến việc phun thuốc cũng phải tuân thủ quy trình hướng dẫn của kỹ thuật phía công ty giống Quảng Bình. Chính điều đó cũng đã giảm được việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón. Người nông dân cũng giảm được chi phí ở phần này. Điều hơn thế nữa, thu hoạch năng suất cao hơn so với các vụ trước đây. Ông Thanh phấn khởi cho hay: “ Nếu như vụ đông xuân vừa qua, gia đình chỉ giao cho HTX thực hiện phương án tích tụ tập trung ruộng đất chỉ 3/5 sào thì vụ hè thu này, gia đình giao toàn bộ diện tích để HTX triển khai”.
So với trước đây thì người nông dân bây giờ làm ruộng đỡ vất vả hơn nhiều. Từ khâu làm đất cho đến thu hoạch đã được máy móc thay thế. Trong khi đó, năng suất lúa cũng tăng lên đáng kể. Có lẽ nhiều người nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình không còn lạ lẫm với mô hình tích tụ tập trung ruộng đất. Xuất hiện ở Bình Đào vào năm 2015 với diện tích 40 ha. Ngay sau thành công tại Bình Đào, UBND Thăng Bình đã ban hành Đề án “tích tụ tập trung ruộng đất” trên toàn huyện. Theo ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, sau Bình Đào và Bình Nam, vụ hè thu 2017, thêm 3 địa phương gồm Bình Trung, Bình Sa và thị trấn Hà Lam sẽ triển khai phương án tích tụ tập trung ruộng đất . Ông Hương nói : “ UBND huyện sẽ tập trung hỗ trợ cho HTX và Tổ hợp tác để có điều kiện để triển khai thực hiện. Riêng với người dân cho thuê hoặc góp đất sản xuất thì diện tích được hỗ trợ mỗi ha là 12 triệu đồng để cải tạo đồng ruộng, bảo đảm sản xuất tập trung. Đồng thời khi liên kết sản xuất lúa thì nhân dân từng bước sản xuất tập trung, sản xuất an toàn để đảm bảo năng suất và chất lượng cao hơn”.
Đối với xã Bình Chánh, trên cơ sở cánh đồng mẫu tại thôn Mỹ Trà, địa phương đã phối hợp với Viện khoa học Kỹ thuật Duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình nông nghiệp thông minh với diện tích 50 ha. Từ khi tham gia mô hình gần 200 hộ dân ở địa phương này đã có những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Đã qua rồi cái thời người dân nông trồng trọt theo tập quán, bón phân, phun thuốc tràn lan, không tiết kiệm nước đã làm tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế, ô nhiễm môi trường, gây hại đến sức khỏe người nông dân và cộng đồng. Ngoài ra, bón phân không theo quy trình, phun thuốc không theo hướng dẫn còn là nguyên nhân dẫn đến phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhưng hiện nay, mô hình nông nghiệp thông minh đã giúp người nông dân tăng năng xuất trên đơn vị diện tích, giảm các chi phí trong quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người nông dân. Theo ông Hồ Chí Dũng- Phó chủ tịch UBND xã Bình Chánh, diện tích sản xuất lúa hàng năm của xã lên đến gần 1.200 ha, do đó, lúa là cây trồng phổ biến tại địa phương. Khi triển khai mô hình nông nghiệp thông minh, sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã được bà con nông dân tham gia và có những thay đổi tích cực. Ông Dũng cũng cho biết: “ Khi triển khai thực hiện mô hình thông minh, các đơn vị tổ chức tập huấn, trực tiếp thăm đồng hướng dẫn cho bà con nông dân và cán bộ địa phương nhằm từng bước chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người nông dân nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, đã thay đổi dần tập quán canh tác của người nông dân. Đặc biệt, mô hình này cũng đã cho được những tín hiệu khả quan trong việc tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất. Cùng với đó, Ban nông nghiệp xã ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống với Công ty giống cây trồng Trung Ương, tăng giá lúa lên 20% so với lúa thương phẩm. Chính nhờ áp dụng những biện pháp đồng bộ, năng suất lúa vụ đông xuân vừa qua, toàn xã đạt 54 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với thời điểm trước”.
        Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cùng lúc xây dựng nhiều mô hình trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Thăng Bình đã đẩy giá trị sản phẩm lên mức cao hơn, trong khi đó giảm được giá thành trong sản xuất. Đó là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện nay nói chung và huyện Thăng Bình nói riêng. Từ đó, vai trò của người nông dân được phát huy, thu nhập tăng lên, góp phần thực hiện tiêu chí tăng thu nhập của nông dân trong hành trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Tác giả: Minh Tân - Giang Biên

Nguồn tin: thangbinh.quangnam.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chuyên mục

Liên Kết Web

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập

0000204624

Hôm nay: 5
Tuần này: 13
Tháng này: 13
Năm này: 29606

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy website của chúng tôi như thế nào