Định hướng phát triển

  NGHỊ QUYẾT

Đại hội Đảng bộ xã Bình Chánh khóa XI, nhiệm kỳ 2020- 2025.

 

   Đại hội Đảng bộ xã Bình Chánh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 được tiến hành từ ngày 13 đến ngày 14 tháng 5 năm 2020. Tham dự Đại hội có 125 đảng viên trên tổng số 132 đảng viên được triệu tập của 09 chi bộ trực thuộc.

Đại hội làm việc đúng Điều lệ, nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Đại hội đã nghe Báo cáo Chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

          Qua thảo luận của Đại hội và ý kiến chỉ đạo của Ban thường vụ Huyện ủy Thăng Bình, Đại hội Đảng bộ xã Bình Chánh lần thứ XI.

QUYẾT NGHỊ

         

   Tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm 2015-2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2020 - 2025 nêu trong báo cáo chính trị trình đại hội:

   I/ Về đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X:

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến tình hình kinh tế trong nước, kinh tế địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình thiên tai, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo, cùng với sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn toàn xã đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đề ra những chủ trương, biện pháp sát với thực tế và cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu do Đại hội đề ra, tạo nên những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển và đạt được tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; thực hiện tốt định hướng phát triển kinh tế; chỉ đạo thực hiện có kết quả về nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, cơ sở hạ tầng từng bước được xây dựng. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, có nhiều tiến bộ, 3 cấp học trên địa bàn xã đã xây dựng thành công trường chuẩn quốc gia, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn - đô thi thị văn minh được đẩy mạnh; công tác giảm nghèo đạt những kết quả tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ xã đến thôn ngày càng vững mạnh.

   Bên cạnh những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục:

   Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ lực, tỷ trọng ngành nghề TTCN, xây dựng – Thương mại, dịch vụ trong cơ cấu ngành kinh tế còn thấp. Chăn nuôi còn nhỏ lẻ. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn còn xảy ra. Kiểm soát giết mổ chưa được thường xuyên. Một số hộ chăn nuôi xử lý chất thải chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Công tác quản lý đất đai và quản lý hiện trạng chưa được chặt chẽ.

   Tình hình vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra, tình hình ANCT, TTATXH còn tiềm ẩn những nguy cơ.

   Một số cán bộ được phân công đứng điểm ở thôn chưa sâu sát, chưa thường xuyên nắm tình hình ở thôn, tổ. Các ngành, thành viên Ban chỉ đạo được phân công chưa tích cực trong việc tham mưu và triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”.

   Vai trò lãnh đạo của BTV, BCH có lúc chưa sâu sát. Tổ chức giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016-2021 chưa đảm bảo.

   Công tác sơ, tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị chưa kịp thời, một số cán bộ, đảng viên tham gia học tập không đầy đủ, thái độ học tập chưa nghiêm túc.

Phương thức lãnh đạo của một số chi bộ chưa được đổi mới một cách tích cực, nội dung sinh hoạt chưa đúng theo tinh thần Hướng dẫn của cấp trên, công tác kiểm tra giám sát ở chi bộ chưa thực hiện tốt.

   Một số cán bộ, đảng viên chưa phát huy tính tiền phong gương mẫu, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao.

   Công tác phát triển Đảng không đạt Nghị quyết đề ra. Hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát chưa cao.

 *Nguyên nhân khuyết điểm

   Một số tuyến ĐH trên địa bàn xã chưa được đấu nối nên khó khăn trong giao thương hàng hóa và phát triển các ngành nghề TTCN, TMDV.

   Thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương. Giá bán nông sản có xu hướng giảm và thiếu ổn định trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng nên khó khăn cho nông dân đầu tư mở rộng qui mô sản xuất nông nghiệp.

   Cơ chế chính sách đối với cán bộ cấp xã và thôn có sự thay đổi, chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách xã và thôn thấp, cán bộ chi hội đoàn thể ở thôn không có phụ cấp nên chưa khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ yên tâm công tác. Đời sống nhân dân còn khó khăn và một bộ phận nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.

Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, quản lý điều hành của nhà nước trong thực hiện một số nhiệm vụ chưa quyết liệt nên kết quả đem lại chưa cao. Tính tiền phong gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa được phát huy. Công tác tham mưu của một số ngành, đoàn thể xã đôi lúc chưa kịp thời.

   Vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương chưa được phát huy.

   II/ Phương hướng chung

   Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; tạo sự chuyển biến sâu sắc và toàn diện hệ thống chính trị. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII; xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng chính quyền vững mạnh toàn diện, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động, tổ chức các phong trào và các cuộc vận động.

   Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của xã để phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển kinh tế vùng Tây của huyện. Vận dụng các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực nhằm tạo động lực, sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện các bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình, trẻ em. Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, các chính sách đối với gia đình có công với nhà nước, chính sách an sinh - xã hội. Tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

III/ Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

          1.1- Chỉ tiêu về kinh tế:

- Tổng giá trị ngành kinh tế đến năm 2025: 300 tỷ đồng

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân hằng năm đạt từ 8% - 9%.

- Cơ cấu kinh tế ngành: Nông, lâm nghiệp 45,67%, TTCN - Xây dựng 34,33%, Thương mại - Dịch vụ 20%.

- Thu nhập thực tế bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.

- Tổng sản lượng lương thực cây có hạt hằng năm đạt 7.160 tấn.

- Giá trị bình quân trên 1ha canh tác 77 triệu đồng/ha.

  - Xây dựng sản phẩm có thương hiệu theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt mức độ 3 sao trở lên.

  - Bình quân lương thực đầu người đạt 1315 kg/người/năm.

  - Hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị một số sản phẩm chủ lực của xã.

  - Xây dựng 2 thôn đạt “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” vào năm 2024.

  - Xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.

1.2- Chỉ tiêu về văn hóa - xã hội:

- Đến năm 2025, xóa hết hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội). Hộ cận nghèo giảm còn 1%.

- Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp đạt 100%.

- Duy trì phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3, nâng cao mức độ xóa mù chữ.

- Nâng cao chất lượng 3 trường đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng trường Mẫu giáo Bình Chánh và trường TH Ngô Gia Tự đạt chuẩn mức độ 2.

- Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dưới 8%.

- 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 5%, thể thấp còi còn dưới 6%.

- Nâng cao chất lượng Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.

- Hằng năm 4/4 thôn được công nhận thôn văn hóa, 5/5 cơ quan đạt cơ quan văn hóa, 100% tộc đã ra mắt đạt tộc văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 97%. Duy trì “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

- Tỷ lệ lao động có việc làm 100%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 70%.

- Thực hiện phần mềm “một cửa điện tử” 100% và đăng ký cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 trở lên.

1.3- Chỉ tiêu về môi trường:

- Giải quyết các trường hợp trồng cây trên đất 5%, đất UBND xã quản lý.

- Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ sử dụng nước sạch 90%.

- Hộ dân tham gia và nộp phí thu gom rác thải sinh hoạt đạt 100%.

- Chất thải nguy hại trên đồng ruộng được thu gom 100%.

- Các tuyến đường trục chính có hệ thống điện thắp sáng và trồng cây xanh đạt trên 70%.

1.4- Chỉ tiêu về Quốc phòng - an ninh:

- Xã đạt chuẩn vững mạnh về quốc phòng, an ninh. Giao quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu.

- 100% thôn và cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT.

1.5- Chỉ tiêu về xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các Hội, đoàn thể

Trong nhiệm kỳ kết nạp 25 đảng viên trở lên, có 100% chi bộ đạt tiêu chuẩn hoàn thành tốt nhiệm vụ; trên 90% đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; Đảng bộ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

IV- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 

          1- Phát triển kinh tế gắn với nâng cao đời sống nhân dân

1.1- Tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Quy hoạch, đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh tích tụ tập trung ruộng đất; xây dựng các cánh đồng tập trung, cánh đồng mẫu lớn, các vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống… Tiếp tục chuyển đổi một số diện tích đất có giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Duy trì cánh đồng mẫu tại Đồng Mùn với diện tích 54,5 ha đồng thời tập trung liên kết sản xuất lúa giống chiếm trên 70% diện tích. Hình thành mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới. Xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa giống, bún khô, tinh dầu tràm đạt tiêu chuẩn theo Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”.

Phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại đảm bảo môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi tập trung tại các khu đã quy hoạch, từng bước giảm đáng kể chăn nuôi nhỏ lẻ. Tăng cường kiểm soát giết mổ. Khuyến khích mở rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, như nuôi bò nhốt thâm canh, gà thả vườn… Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, vệ sinh môi trường nông thôn.

Quản lý chặt chẽ diện tích đất 5%, đất UBND xã quản lý nhằm chủ động trong nguồn khai thác quỹ đất và tạo nguồn thu cho địa phương.

 Phát triển kinh tế vườn, xây dựng mô hình cây công nghiệp trên đất rừng, gò đồi, vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích trồng rừng sang trồng một số cây có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

1.2- Nâng cao chất lượng xã nông thôn mới và xây dựng thành công khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban phát triển thôn trong việc trực tiếp rà soát, quản lý và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn thôn. Tăng cường quản lý, giám sát của Ban phát triển thôn, Ban thanh tra nhân dân trong thực hiện các công trình trên địa bàn xã.

Sử dụng hợp lý và đúng mục đích các nguồn vốn nông thôn mới cấp trên phân bổ, thực hiện lồng ghép, huy động nguồn lực để đầu tư các công trình dân sinh, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân tham gia thực hiện một số tiêu chí “mềm” như cải tạo vườn tạp, xây dựng cảnh quan nhà ở khang trang, sạch đẹp, bảo vệ môi trường trong khu dân cư… Nâng cao vai trò tự giác của người dân trong việc thay đổi thực chất diện mạo nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” thôn Tú Trà. Tranh thủ nguồn lực xây dựng thôn Ngũ xã đạt “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” vào năm 2023, thôn Mỹ Trà đạt “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” vào năm 2024. Tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở đồng thuận của nhân dân để đảm bảo tính bền vững.

1.3- Chú trọng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, TMDV.

Đầu tư hạ tầng các khu ngành nghề TTCN, TMDV tập trung đã quy hoạch đồng thời kêu gọi xã hội hoá các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, chú trọng thu hút các ngành nghề giải quyết lao động cho nhân dân như may mặc, giày da, chế biến thức ăn chăn nuôi. Hỗ trợ mở rộng qui mô các mô hình kinh tế có hiệu quả trên địa bàn xã như làm bún khô, nấm rơm, xây dựng thương hiệu, liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ.

Tranh thủ sự quan tâm của cấp trên để phân bổ vốn triển khai thực hiện các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn xã như ĐH25, ĐH29, ĐH13, mở rộng ĐH10, đề nghị “mở” nút giao thông tại đường sắt thôn Tú Trà và ĐH 10, thực hiện chỉnh trang khu trung tâm xã.

1.4- Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường. Phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức truy quét triệt để các điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã.

Kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm diện tích đất, vi phạm hành lang tuyến điện, hành lang giao thông.

Hoàn thành việc xác lập hồ sơ, cấp đổi GCN QSDĐ sau dồn điền đổi thửa cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, quyền sử dụng đất ở cho nhân dân. Lập bộ, kiểm tra, quản lý diện tích đất 5% hiệu quả.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát động phong trào vệ sinh môi trường định kỳ ở thôn, tăng cường vai trò tự quản tuyến đường của ngành, đoàn thể xã được phân công.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án thu gom rác thải. Nâng cấp, sữa chữa đài nước sạch thôn Tú Trà và thôn Ngũ Xã, đề nghị cấp trên đầu tư mới các công trình cung cấp nước sạch cho thôn Ngũ Xã và Mỹ Trà.

1.5- Tăng cường thu, chi ngân sách

Tập trung xây dựng các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có hiệu quả, tiếp tục tăng cường chỉ đạo điều hành NSNN. Tích cực làm tốt công tác rà soát, triển khai các nhiệm vụ thu, chi đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương và phù hợp với nguồn vốn được phân bổ. Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tiết kiệm chi, công khai tài chính.

Cân đối vốn đầu tư đảm bảo đúng luật đầu tư công về nguồn vốn, thời gian thực hiện dự án ngắn và phát huy hiệu quả, đặc biệt không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tập trung thu tiền sử dụng đất 5% và các khoản thu khác đạt và vượt kế hoạch đề ra.

2. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa – xã hội

2.1- Chú trọng công tác giáo dục và đào tạo  

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 25/4/2017 của Tỉnh ủy, Chương trình số 19-CTr/HU, ngày 26/7/2017 của Huyện ủy Thăng Bình về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, huy động mọi nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục- đào tạo; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS đạt chuẩn mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

2.2- Nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về y tế, đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, y tế cộng đồng. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Giữ vững và nâng cao chất lượng Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia. Thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Vận động nhân dân thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện chiến dịch truyền thông dân số, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Tiếp tục duy trì và giảm tỷ suất sinh thô bền vững; duy trì và giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi và thể cân nặng.

2.3- Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thông, thể dục, thể thao

         Thực hiện tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, vui chơi giải trí cho nhân dân. Xây dựng phong trào thể dục thể thao ở từng khu dân cư, phát hiện và bồi dưỡng vận động viên của xã để nâng cao chất lượng thi đấu các giải do huyện, tỉnh tổ chức. Duy trì việc trực quan trang nghiêm nhân các ngày Lễ trong năm, sự kiện chính trị của cấp trên và địa phương.

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

2.4- Thực hiện các chính sách đối với người có công cách mạng, các chính sách an sinh xã hội

Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng và đối tượng BTXH theo quy định của Nhà nước, thường xuyên theo dõi, chăm lo đến đời sống của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách,

Thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân. Tổ chức rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều đảm bảo chuẩn xác và kịp thời, không tái nghèo, tái cận nghèo. Thực hiện việc rà soát hộ có mức sống trung bình để thực hiện chính sách hỗ trợ  mua BHYT theo quy định.

Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm cho người lao động. Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới; vận động tham gia xuất khẩu lao động.

3- Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng – an ninh, công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí

3.1- Đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong tình hình mới. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Xây dựng LLVT vững mạnh; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Tăng cường giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh, xây dựng lực lượng DQTV, DBĐV đảm bảo số lượng, chất lượng; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; tổ chức huấn luyện, diễn tập, rà soát việc gọi công dân nhập ngũ đúng quy định đảm bảo giao quân đạt chỉ tiêu.

Tăng cường công tác quản lý địa bàn, giữ vững tình hình ANCT, TTATXH. phát huy vai trò tố giác tội phạm của nhân dân. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Duy trì và phát huy có hiệu quả các mô hình tự quản về an ninh trật tự và triển khai thực hiện những mô hình mới.

3.2- Thực hiện có hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Tập trung tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, pháp luật, chủ trương của Đảng và nhà nước trong nhân dân. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư của nhân dân, duy trì việc tiếp công dân định kỳ. Tiếp tục thực hiện thủ tục tư pháp – hộ tịch tại bộ phận “một cửa” đúng theo quy định.

4- Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

4.1- Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân xã

Tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của đại biểu HĐND xã, nâng cao chất lượng kỳ họp. Tăng cường hơn nữa chức năng giám sát thực hiện nghị quyết HĐND xã, việc thực thi các chính sách và pháp luật của Đảng và nhà nước. Phối hợp tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri; giải quyết kịp thời các kiến nghị, vấn đề bức xúc, yêu cầu chính đáng của nhân dân.

4.2- Tăng cường công tác quản lý, điều hành của UBND, công tác cải cách hành chính

Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của UBND xã, ý thức phục vụ và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức; thường xuyên chấn chỉnh việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan. Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện tốt cơ chế “một cửa” phần mềm “một cửa điện tử”. Thực hiện nghiêm nội quy, quy chế cơ quan, họp UBND xã thường kỳ theo Luật định.

 Triển khai thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH 11 ngày 20/7/2007 của UBTVQH khoá XI về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án nhất là công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn xã đến nhân dân để không ngừng giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

4.3- Thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội  và các Hội quần chúng

           Mặt trận, đoàn thể tăng cường công tác tuyên tryền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Tham mưu kịp thời để Đảng ủy, Chính quyền tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, Chính quyền với nhân dân nhằm nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và vấn đề bức xúc của người dân. Nêu cao vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong việc thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định 218-QĐ/TW về việc Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các Đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền; Quy định 124-QĐi/TW, ngày 02/02/2018 của Ba chấp hành Trung ương về giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam các đoàn thể và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

  4.4- Tăng cường công tác xây dựng Đảng

4.4.1- Tập trung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức

Triển khai quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng các cấp cho cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu quả, tính thực tiễn trong xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo tổ chức thực hiện.

Chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết, biểu dương, nhân rộng các điển hình, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

4.4.2- Chú trọng công tác tổ chức cán bộ

Tập trung củng cố, kiện toàn các chi bộ trực thuộc vững mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương; Quy định số 15-QĐi/TU, ngày 14/11/2018 của Tỉnh ủy Quảng Nam và Quy định số 05-QĐi/HU của Huyện ủy Thăng Bình về khung tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong gương mẫu, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức kỷ luật nghiêm, đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên hàng năm. Thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, đảng viên theo Quyết định 67-QĐ/TW và Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị về đảng viên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.

4.4.3- Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với hoạt động của các Chi bộ về lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ được giao và việc tổ chức sinh hoạt đảng theo quy định, chấp hành Điều lệ của Đảng viên. Giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức đảng và đảng viên.

   4.4.4- Đẩy mạnh công tác dân vận của Đảng

    Đẩy mạnh thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Quy chế, quy định về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới; các quyết định của Bộ Chính trị về quy định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, Chính quyền với Nhân dân. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác vận động quần chúng, công tác tôn giáo, dân tộc đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

 4.4.5- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

  Thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Nêu cao tính tiền phong gương mẫu, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, công chức, người đứng đầu; tăng cường đi đến các thôn, tổ, đối thoại với nhân dân, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.

   Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo. Đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, cải cách hành chính và xây dựng văn hóa trong cơ quan.

Đại hội kêu gọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống quê hương Bình Chánh anh hùng, đoàn kết, chung sức, chung lòng, vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết đại hội đề ra, vì một Bình Chánh phát triển giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Chuyên mục

Liên Kết Web

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập

0000219265

Hôm nay: 66
Tuần này: 412
Tháng này: 1688
Năm này: 44247

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy website của chúng tôi như thế nào