Chi tiết tin

A+ | A | A-

Giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân huyện Thăng Bình chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Sau 10 năm (2010-2020) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tham gia của người dân, nhiều giải pháp được triển khai đồng loạt, nhờ đó, việc thực hiện tiêu chí môi trường đã đạt được những kết quả tích cực, tính đến cuối năm 2020, huyện Thăng Bình có 16/20 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới (tỷ lệ 80%).
     Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về môi trường và thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới được chú trọng. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đã được nâng lên. Huyện đã tổ chức gần 500 lớp tập huấn công tác bảo vệ môi trường và tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới cho hơn 25.000 lượt người dân, phát hơn 40.000 tờ rơi hướng dẫn về phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn cho người dân; xây dựng và phát sóng 520 chuyên mục tuyên truyền về “Tài nguyên và môi trường”; tổ chức được 05 đợt lễ mit tinh, 06 hội thảo, tọa đàm về bảo vệ môi trường gắn xây dựng tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới.
     100% các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận hồ sơ môi trường theo quy định. Công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện định kỳ, kiểm tra gần 300 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, xử phạt 327.500.000 đồng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đề án quản lý chất thải rắn bước đầu đem lại hiệu quả, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn toàn huyện đạt trên 90%; chất thải rắn nguy hại đạt 85%, 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ thu phí vệ sinh môi trường đạt hơn 70%, số tiền UBND các xã, thị trấn thu phí vệ sinh môi trường từ năm 2015 đến nay được hơn 20 tỷ đồng.
     Tiêu chí số 17 về môi trường trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sinh thái, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, mặc dù đã có sự chuyển biến rõ nét từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, song tiêu chí môi trường được đánh giá là tiêu chí khó thực hiện và duy trì bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
     Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số; tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang tiếp diễn; việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề chưa được chú trọng đầu tư; một số địa phương tỷ lệ thu phí vệ sinh môi trường còn rất thấp, chưa quản lý tốt điểm trung chuyển rác thải, còn tình trạng người dân đổ rác thải khu vực công cộng; hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nông thôn đều ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, chủ yếu là tự phát, nằm trong khu dân cư gây khó khăn trong công tác quản lý và dễ phát sinh khiếu kiện, phản ánh kiến nghị của người dân về môi trường nhất là nguy cơ ô nhiễm do nước thải chăn nuôi, giết mổ; tác động của thiên tai (bão, lũ, lụt…) và biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thải, cảnh quan và chất lượng môi trường... Bên cạnh đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của một số cấp ủy, chính quyền, một số ngành, địa phương tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế nhưng chưa thực sự chú trọng công tác bảo vệ môi trường, chưa thực sự ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện tiêu chí môi trường; công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền cấp xã chưa thường xuyên, kịp thời, việc áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn hạn chế...

Ảnh: Đoàn thanh niên tham gia tuyên truyền bảo vệ môi trường góp phần xây dựng NTM

     Để hoàn thành mục tiêu đạt và duy trì bền vững tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, trong thời gian đến cần tập trung thực hiện các giải pháp:
     Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở coi công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng công tác giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học, nhằm tạo nhận thức sâu sắc cho học sinh và có hành động thiết thực bảo vệ môi trường.
     Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường. Khẩn trương hoàn thành việc lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường đối với các cụm công nghiệp; bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp đảm bảo theo yêu cầu.
     Tập trung giải quyết các bất cập về công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình nằm trong khu dân cư. Kiểm tra, rà soát, lập danh sách các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở phát sinh chất thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường; bố trí quỹ đất, hình thành các điểm tiểu thủ công nghiệp với quy mô, diện tích khoảng từ 2-3 ha cách biệt với khu dân cư theo quy hoạch của các địa phương để bố trí vàc di dời các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Không bố trí, khai thác quỹ đất hình thành các khu dân cư gần với các cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đã được cấp phép để tránh sự phát tán ô nhiễm môi trường đến khu dân cư.
     Tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả Đề án quản lý chất thải rắn, triển khai thực hiện tốt Đề án phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn giai đoạn 2020-2025, duy trì các mô hình tự quản có sự tham gia của cộng đồng, phấn đấu đến năm 2020, có 95% hộ dân trên toàn địa bàn huyện tham gia đổ rác và nộp phí vệ sinh môi trường; 70% hộ dân và các tổ chức trên toàn huyện đăng ký và thực hiện phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn.
     Nâng cao vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường. Mặt trận, hội, đoàn thể các cấp phối hợp các cơ quan chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch liên tịch về bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tăng cường vai trò chủ thể của người dân trong tham gia bảo vệ môi trường.
     Kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường cấp xã, bố trí đủ cán bộ có năng lực từ huyện đến cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường; thường xuyên tập huấn trang bị những kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ môi trường cấp xã; ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

Tác giả: Xã Bình Chánh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chuyên mục

Liên Kết Web

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập

0000225177

Hôm nay: 16
Tuần này: 75
Tháng này: 1376
Năm này: 1376

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy website của chúng tôi như thế nào